Tây Nguyên là một trong ba tiểu vùng của Miền trung Việt Nam gồm 5 tỉnh Komtum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Tuy điều kiện về kinh tế - xã hội thấp hơn so với các vùng khác, nhưng đây là một vùng đất thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước bởi những cánh rừng hoa cà phê bạt ngàn, rừng thông Đà Lạt mộng mơ, suối hồ, ghềnh thác, đèo và những cánh rừng nguyên sinh có cảnh quan thiên nhiên mang đậm nét hoang sơ nguyên thủy của núi rừng Tây Nguyên. Không những thế, Tây Nguyên còn có nhiều đặc sản nổi tiếng mang đậm hương vị cao nguyên:
1. Gỏi lá độc đáo ở Kon Tum
Món ăn vừa được công nhận top 10 đặc sản Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á lần thứ hai năm 2013 này có hương vị riêng biệt của núi rừng Tây Nguyên.
Đến Kon Tum mà chưa ăn gỏi lá thì coi như chưa đến. Quả đúng như tên gọi, món gỏi lá này toàn… lá. Chỉ một món ăn mà bày kín mâm, bởi gỏi lá “đúng chất” có tới 40-50 loại, từ các loại rau quen thuộc như: lá cải, tía tô, đinh lăng, lá sung, lá mơ, hành, rau húng… đến các loại lá ít xuất hiện trong bữa ăn như: lá xoài, lá ổi, lá chua, lá chùm ruột, ngũ gia bì… và rất nhiều loại lá là riêng biệt của Tây Nguyên mà tôi không biết hết tên.
Giữa “mâm lá” là đĩa thức ăn ăn kèm. Thịt ba chỉ luộc, thái mỏng sao cho mỡ và thịt vừa đủ, không quá ngấy. Vài lát cá chép, tôm luộc, bì lợn. Đặc biệt có thêm đĩa tiêu nguyên hạt, muối hạt.
Thứ đặc biệt và kỳ công nhất của món gỏi lá này là nước chấm, mới nhìn qua như cháo đặc có màu vàng nghệ. Gạo nếp lên men, có mùi thơm dậy thì đem ủ với tôm khô, thị ba chỉ, sau đó xay nhuyễn. Chảo dầu nóng trên bếp, phi hành khô thật thơm rồi cho hỗn hợp trên vào, cho thêm mẻ, sa tế, gia vị và đảo đều tay, đun lửa liu riu. Thứ gia vị này không được nếm, mà người nấu phải dựa vào mùi bốc lên để biết được rằng, tất cả các thứ trong chảo đã chín đến độ, tạo được mùi vị thơm ngon nhất để múc ra bát.
Thưởng thức món này cũng cần có kiểu cách, không vội vã “vơ” hết các lá mà phải theo đúng quy trình. Trước tiên lấy lá cải hoặc lá mơ làm lá cuốn, sau đó cho thêm lá chua và vài lá khác tùy lựa chọn của người ăn, cuốn thành cái phễu nhỏ, bỏ miếng thịt ba chỉ, tôm, bì lợn… vào trong “phễu”, nhất định phải cho thêm hạt tiêu và hạt muối, một chút nước chấm. Mỗi lần cuốn lá là những loại lá khác nhau, tạo nên những hương vị khác nhau, khi thì chua chua lá xoài, khi thì bùi bùi lá sung, chan chát lá ổi.
Vị đậm đà của tôm và thịt, vị cay nồng của hạt tiêu hay chua nhè nhẹ của thứ nước chấm đặc biệt tan dần giữa chất thanh mát của các loại rau, khiến người ăn có được cảm nhận thực sự khó quên. Chỉ có ở Kon Tum, nơi dòng Dak Bla trong xanh uốn mình dưới chân núi Ngọc Lĩnh hùng vĩ, mới thấy hết cái vị rất riêng biệt, rất cao nguyên của món ăn thú vị này.
2. Nai Nướng Thác Pren
Có một quán nai nướng giấu mình trong rừng thông Đà Lạt từ nhiều năm nay ở nơi đầu dốc dẫn xuống thác Prenn. Chủ quán là người đàn ông gốc Tây Nguyên không ai biết ở Kon Tum hay ĐăkLăk nhưng đã từng một thời ta| phong sương cùng cỏ cây muông thú rừng già thêm tài chế biến các món đặc sản rừng thơm ngon chưa có nơi nào địch nổi. Chủ quán tên gì nói ra chắc khó nhớ và cũng khó gọi vì âm điệu ngôn ngữ như kiểu tên Tây không như anh hùng Núp dễ gọi.
Quán hàng dựng ngay ngoài trời giũa thiên nhiên lồng lộng. Bàn ăn là những tấm gỗ nhẵn bóng ngấm mỡ mà chân bàn thì là những gốc cây cưa cụt, xung quanh chỗ ngồi là những cành mai tứ quí và các chậu phong lan hoa màu đủ loại rực rỡ gợi con người nghĩ tới chốn Đào Nguyên để lầm tưởng mình là Lưu Nguyễn lạc động Thiên Thai thuở trước.
Khách lạ hay quen vừa kịp ngồi vào bàn đã được đon đả chào mời và chỉ cần giơ mấy ngón tay ra hiệu là chủ quán đã hiểu cần gọi mấy xuất, rồi lập tức đặt luôn chai rượu đế sủi tăm với mấy chiếc ly sành da lươn mộc mạc lên bàn kèm theo đĩa muối tiêu, ớt tươi thái lát, lá sả là những đồ gia vị không thể thiếu để ăn với thịt nai. Chỉ một loáng sau những đĩa nai sống đỏ tươi mềm mại như thịt bê non thái mỏng tang với đĩa lá lốt xanh rờn cùng mấy chiếc hoả lò đỏ rực than tàu đã được đưa ra mỗi người một chiếc.
Và thế là cuộc ăn bắt đầu không có người phục vụ nữa. Khách tự trải thịt nai lên lá lốt rồi tự gói lại to nhỏ tùy ý sau lấy đũa gắp đặt lên mặt than hồng đợi cho màu lá táp vàng thì lật mặt sau nướng tiếp đợi chín. Bất ngờ hương vị nai nướng quyện vào mùi lá lốt chín sục thơm lúc nào không biết. Người ăn bỗng thấy thèm thuồng, rót vội một ly rượu đầu tiên nhấp một hớp nhỏ khai vị và không tìm được đũa ăn vội miếng nai thơm nóng bỏng rồi ngồi thừ ra ngây ngất để lặp lại quy trình nướng miếng nai khác.
Cứ thế khách bỏ vào miệng tùng miếng tái ngọt ngào, nhai nhỏ nhẻ rồi hớp một hớp rượu thơm ngồi ngẫm nghĩ suy tư cùng người bạn cố tri về điều cộng hưởng đậm ngọt của vị nai, vị dịu cay của ớt chín, vị mặn thơm của muối tiêu, vị hăng hăng của lá lốt, lá sả… tất cả gộp lại tổng hoà hương ngàn gió núi lẫn vào miếng ngon thuở nguyên sơ, thiết tưởng chỉ có được trong rừng thông Đà Lạt.
Bạn mới lên Đà Lạt lần đầu lại cũng mới một lần thưởng thức nai nướng trong quán bên đường giũa một buổi chiều se lạnh, một bên là lò than hồng ấm áp, một bên là người bạn đồng hành thân thiết với chai rượu đế “mắt mèo" rót ra bật diêm châm vào ly, lửa xanh bốc lên phần phật hỏi còn kỷ niệm nào đắt giá hơn, thú vui nào vui hơn? Cái khẩu vị kiêu kỳ của người sành nó là như vậy. Nó âm u, tĩnh mịch, xa xôi, nó trầm lắng, hoang vu, siêu thoát như người Hà Nội ăn chả cá thích chọn một phòng chật hẹp, khét mùi mở rán, ngồi bên một chiếc bàn cũ kỹ không cần trải khăn, nhấm nháp giữa ngày đông tháng giá mới cảm thấy thực sự biết ăn ngon.
Thế mới hiểu “rượu ngon không có bạn hiền không ngon”, miếng ngon thiếu cảnh "thần tiên" cũng chẳng lấy gì làm thú vị. Câu thơ của người xưa thâm thúy thật nhưng hình như còn thiếu cái vế sau bởi người và cảnh tuy hai mà là một và một cũng là hai. Người ta khâm phục mến mộ người sành là kẻ biết ăn chơi nhưng người ta cũng rất ngại người sành thực là khó tính, biết chiều sao đây?
3. Atiso Đà Lạt
Actisô là một loại rau thực vật quí hiếm gieo trồng khó khăn nhưng cũng là một loại dược thảo có giá trị chuyên chữ các chứng bệnh gan, mất ngủ, háo nhiệt. Công dụng của nó xin nhường lời cho các thầy thuốc. Trong phạm vi ăn uống tôi chỉ đề cập tới những món ăn chế biến bằng hoa Actisô như: Actisô hầm giò heo, Actisô luộc chấm sốt chua, Actisô tẩm bột chiên, nõn Actisô luộc trộn kem tươi…
Nói chung, Actisô không thuộc nhóm ăn dẫn dã mà là món ăn Âu cao cấp tại vì cây Actisô có nguồn gốc từ xứ lạnh nên chủ yếu là nguyên liệu của những món ăn hàn đới, xa lạ với người Việt Nam. Ở ta, chỉ có khí hậu Đà Lạt mới thích hợp với “đời sống” Actisô, ngoài ra chưa có một nơi nào gieo nổi. Kể cả Tam Đảo, Sa Pa là những vùng núi cao trên 1.000m so với mặt biển cũng vắn bóng Actisô.
Món phổ biến nhất ở các khách sạn Đà Lạt dành cho người Âu là món Actisô hầm heo. Nguyên liệu làm nên món này cũng đơn giản thôi. Chủ y ếu là một bông Actisô to, nặng chừng 2kg nấu với chiếc giò heo xấp xỉ một kg cùng với hành củ to và muối tiêu. Chỉ có thể thôi nhưng khách phương tây vô cùng mến mộ vì lẽ được thưởng thức món Actisô ở một xứ nhiệt đới là điều không thể ngờ. Cách nấu cũng đơn giản chẳng cầu kỳ. Actisô rửa sạch cho vào nồi luộc chừng mười lăm phút. Giò heo cạo sạch, chặt thành từng khoanh to nhỏ. Phi hành cho vàng rồi bỏ chân giò vào xào cho săn 1ại, rắc muối tiêu, trộn đều đổ lên chừng ba lít nước lạnh, đậy vung ninh trong vòng sáu mươi phút sau đó mới bỏ bông Actisô đã luộc sẵn vào hầm chung với giò heo trong chín mươi phút nữa cho tới khi cả giò heo lẫn Actisô mểm nhừ là ăn được. Các món Actisô khác không béo ngậy bằng Actisô hầm giò heo nhưng lại quen thuộc với khẩu vị phương Tây nhất là khi họ tới một vùng quanh năm nắng gió như Việt Nam. Thực ra thì Actisô là món ăn quý tộc của người phương Tây. Ngoài những món kể trên, trong sách vở nấu ăn thế giới, họ đã ghi nhận hai món Actisô nổi tiểng đó là Actisô theo kiểu Barigun và Actisô sốt trắng.
Actisô Barigun nấu chừng một tiếng rưỡi là được. Actisô nấu theo món này phải nhỏ, non, cắt bớt phần đầu lá rồi đem luộc trong vòng sáu đến tám phút vớt ra để nguội rồi ép bớt nước đi sau lại bỏ vào nỗi ninh chín nhừ bằng rượu vang trắng với bột cà chua. Sau đó đổ dầu ăn và rắc muối tiêu tiếp tục đun cho chín kỹ. Đợi nguội mới đưa ăn tức là lúc Actisô đã được cô đặc sóng sánh. Actisô barigun cũng có thể nhồi nhân nhưng chế biến phức tạp hơn).
Actisô loại nhỏ hơn nữa, non hơn nữa có thể ăn sống với dấm trộn thật nhiều hạt tiêu. Actisô sốt trắng chỉ cần làm trong bốn mươi lăm phút đã được ăn. Actisô để nguyên bông hoặc bổ đôi nếu quả to và bổ vào lúc còn sống. Rửa sạch bỏ vào nổi có sẵn nước muối khi đang sôi sục, không bỏ Actisô lúc nước còn lạnh. Thời gian làm chín lâu mau tùy thuộc vào độ non già của Actisô. Muốn biết Actisô đã chín hay chưa thì bóc thử một mắt (như mắt dứa) thấy còn dính vào thân bông khó lột tức là còn sống chưa ăn được. Đợi thật chín mới vớt, để ráo nước và cho ăn lúc còn nóng, cùng với sốt trắng hoặc với giấm. Nếu ăn với giấm phải đợi nguội hoặc còn âm ẩm mới ngon. Trong cuốn nghệ thuật nấu ăn của Pháp (L’Art Culinaire francsais). Món Actisô phổ biến đã được người ăn hâm mộ còn có các món sau: Actisô nhồi nhân kiểu Barigun (Artichauts farcis à la barigoule).
4. Phở khô Gia Lai
Người Gia Lai xem món phở khô như một phần không thể thiếu trong nét văn hóa ẩm thực của mình. Một suất phở khô gồm 2 tô: 1 tô đựng bánh phở làm từ bột gạo xay. Bánh phở khi trụng nóng để làm phở không khô cứng như mường tượng mà còn mềm dai, nên cũng như phở tươi. Trên đó là thịt heo bằm nhỏ và hành phi thơm phức.
Tô thứ hai để đựng nước lèo với thịt bò tái, gân, bắp hoặc bò viên, trên mặt là hành ngò xắt nhỏ, rắc thêm chút tiêu đen, đơn giản thôi nhưng dậy mùi thơm hấp dẫn vô cùng. Rau ăn kèm với Phở Khô Gia Lai cũng đơn giản chỉ có xà lách, húng quế và giá trụng. Ngổ hay ngò gai đi theo cũng không hợp.
Ăn Phở Khô gần như là cái thú vì bạn tự gia giảm mặn nhạt theo khẩu vị của mình bằng tương nâu cùng nước tương. Là nước tương chứ không thể là nước mắm được vì nước mắm sẽ át đi mùi thơm của bánh phở. Cho thêm giá trụng vào tô, trộn bánh phở, giá với tương cho đều. Ăn 1 miếng mà đầy đủ cả: mùi thơm của phở, vị ngọt nhẹ của tương, giòn giòn của giá, gắp thêm miếng thịt chấm chút tương, húp thêm miếng nước lèo ngon ngọt. Lúc này, mới thấy Phở khô Gia Lai là gì.
5. Cà Phê Pleiku
Người dân Cao Nguyên đã thành thói quen mỗi sáng với tách cà phê đậm đặc, vừa nóng vừa thơm, vị đắng ở đầu lưỡi tan dần thành vị ngọt đắng, đó là cảm giác của người phố núi. Hoa cà phê thơm ngào ngạt sẽ níu chân du khách khi đi ngang qua những trang trại cà phê bạt ngàn ở Gia Lai.
Thành phố trẻ Pleiku có một vị trí địa lý khá đắc địa ở cao nguyên. Người ta hay gọi là “Phố núi”, “Thành phố sương mù”, “Thành phố cao nguyên”… Từ lâu Phố núi nơi này đã neo vào lòng du khách bởi vẻ đẹp đặc trưng và bản sắc văn hóa của nó. Nhớ về Pleiku người ta còn nhớ về cà phê. Khi đến Pleiku bạn sẽ ngạc nhiên, thú vị vì ở bất cứ con phố nào cũng có quán cà phê.
Người Pleiku không đơn thuần coi cà phê là một thức uống mà cao hơn thế nó là một nhu cầu thưởng thức mỗi ngày. Và việc mời nhau đi uống cà phê là một nét văn hóa đặc trưng của người dân Phố núi. Bạn tôi ở thủ đô Hà Nội, lúc nào gọi điện cũng tấm tắc: Cà phê nhà các cậu ngon thật. Người ấy làm kinh doanh đi khắp Bắc-Trung-Nam, “tín đồ” cà phê và chỉ cà phê, ngày mấy cữ cũng được. Vào Pleiku lần nào bạn cũng cùng tôi đi khắp các quán trong phố thưởng thức và so sánh, để khi về va ly hành lý bao giờ cũng thêm mấy cân cà phê các loại từ Thu Hà, Phiên Phương, Dinh Điền, Thanh Thủy…
Bao người đến Pleiku uống cà phê một lần là thích rồi ghiền. Dù lê la cà phê cóc dọc phố Nguyễn Du, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… hay đến các quán cà phê sang trọng, khung cảnh nên thơ, bí ẩn, trừu tượng nơi “phố cà phê” trên đường Wừu với những: Dáng Xưa, Đùng Đình, An An, Hình Như Là… đoạn Lê Quý Đôn có Đen, Hạ Vàng, hay ngược phía ngoại ô vào Biển Hồ Xanh cảm giác đều rất thú vị. Từ nơi sang trọng đến chỗ bình dân cách phục vụ cà phê của người dân Phố núi cũng mến thương lắm. Trong tiết trời se rét, mù mù sương sớm, cùng bạn bè co ro quây tròn bên bàn cà phê nghi ngút khói, giọt giọt đen sánh chầm chậm thả đáy ly trong veo như không còn biết thời gian hối hả ngoài kia. Ngắm giọt cà phê rơi cũng là cái thú, lẩn mẩn ngộ ra những triết lý nho nhỏ về cuộc đời như sư thầy Thích Giác Tâm từng nói: “…Khi vui ta uống cà phê và ta nhận diện ra rằng không có gì hạnh phúc bằng giây phút hiện tại, ta an lạc với giây phút này, bởi ta không biết trân quý giây phút này, thì biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao”.
Mỗi người mỗi gu, riêng tôi thích ngồi cà phê hè phố, ngon- rẻ bàn sát bàn, đông đúc, thân thiện, từ xa lạ thành quen, thêm một người bạn ở huyện ra, từ nước ngoài về lại tha hồ ngắm đường phố đông dần sớm mai, thướt tha nữ sinh áo dài trắng tinh khôi đến trường, ríu rít cười đùa má căng hồng hồn nhiên, lật bật các bà mẹ đưa con đến lớp, vội vã những gùi rau tươi, xe hoa quả rong ngược xuôi… Phố bốn mùa một ngày, sáng giá rét, lơ phơ gió, bằng lăng tím treo từng nhánh hao gầy đung đưa, thong thả nhấp ngụm cà phê đủ đầy hương vị, lâng lâng cảm xúc, hào hứng đón nhận ngày mới, bắt đầu một ngày mới thêm yêu thành phố mình.
Thích cà phê Pleiku nguyên hãng thì vào Thu Hà để “Còn chút gì để nhớ”. Thu Hà là quán duy nhất ở vùng cao này vừa trồng vừa chế biến, bán cà phê, tạo thành một vòng khép kín. Một không gian êm đềm, thanh lịch cộng với sự nồng đượm, thơm ngát của cà phê. Dù đến để thư giãn, bàn công việc với đối tác hay vì bất cứ lý do gì khi ngồi ở đây bạn sẽ cảm giác sự ấm cúng và dễ chịu.
Sớm mai rét hay đêm sương giăng, một góc quán sofa êm ấm, một hông vườn lòa xòa cây bông, ghế mây tre, đèn nâu vàng ấm áp, một ven đường bạt dù xộc xệch, bụi đỏ lấm tấm mặt bàn ghế sờn cũ, khách uống cà phê ngồi mơ màng, rôm rả, trầm ngâm, cặm cụi… với ly cà phê đen sóng sánh. Có thể ai cũng từng đi nhiều nơi, thưởng thức cà phê của nhiều vùng miền khác nhau nhưng cái vị và hương đậm đà, ngầy ngậy và say của cà phê Phố núi cao nguyên, Phố núi sương giăng, Phố có em Pleiku “má đỏ môi hồng”, với thông, dốc cùng không gian bàn bạt gió, ngờm ngợp nắng mùa khô, lất phất, rả rích, xối xả mùa mưa… thì vẫn ghi dấu ấn trong lòng mỗi ai một lần tới nơi này.
6. Cá chốt Gia Lai
Cá chốt thuộc họ cá da trơn, thịt có màu vàng óng hoặc trắng, chỉ sống ở những khe đá tại khu vực nước chảy xiết, mực nước sâu từ 7 đến 7,5 m quanh lưu vực sông Ba và sông Ayun thuộc vùng đất phía Nam tỉnh Gia Lai. Do đặc tính thích bơi ngược dòng nên thịt cá chốt vừa chắc, vừa dai lại thơm. Đặc biệt là phần da rất dai, vị béo ngậy.
Vị cay ngọt, thơm của muối, cộng với thịt cá nướng béo ngậy bên cạnh ly rượu nồng khiến nhiều thực khách cho rằng mình đang được thưởng thức món ăn “tiến vua” khi xưa. Ông Lê Đình Trọng chủ một quán ăn ở Gia Lai nhớ lại, khoảng gần 10 năm trước, trung bình mỗi ngày ông tiêu thụ vài chục kg cá chốt là chuyện bình thường, giá bán ra chưa đến 100.000 đồng một kg. Bây giờ giá đã lên đến gần 200.000 đồng một kg nhưng không có đủ để đáp ứng nhu cầu vì cá ngày một hiếm. Hiện tại, khó tìm được cá chốt có trọng lượng đến 1 kg mà chủ yếu từ 1,5-7 gr, thậm chí nhỏ hơn.
Để bắt được cá chốt, trước đây người ta chỉ thả câu, thả lưới, còn bây giờ dùng bình điện lạnh, xung điện gây hủy diệt trường. Mùa sinh sản vào khoảng tháng 11-12 âm lịch, cá chốt nổi lên mặt nước để tìm chỗ đẻ trứng. Lúc này, quanh lưu vực sông Ba, người đánh bắt cá chốt nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm, có người đánh được cả yến cá chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Nhưng, những năm trở lại đây, nhiều công trình chặn dòng để làm thủy điện lớn nhỏ phía thượng nguồn sông Ba cũng làm cho loài cá này biến mất dần vì bị thay đổi môi trường sống tự nhiên.
7. Bò một nắng hai sương
Bò một nắng hai sương xé tay, chấm với muối kiến vàng kèm lá é mới đúng điệu. Món bò một nắng hai sương có cái tên khá lạ. Một nắng thì giống như mực một nắng, còn sương thì có bánh tráng phơi sương Trảng Bàng. Vậy ở đâu thêm hai sương?
Bò một nắng cũng như những sản vật khác của miền cao thường tập trung về phố núi Krông Pa, một huyện cửa ngỏ miền núi tỉnh Gia Lai sát cạnh cao nguyên Sơn Hoà tỉnh Phú Yên. Và cao nguyên Sơn Hoà lại là đồng cỏ chuyên chăn nuôi bò nên món bò một nắng gặp đúng “địa lợi, nhân hoà” để phát triển và quảng bá xuống Tuy Hoà. Ban đầu hương vị bò một nắng còn đơn sơ, nhưng khi giao thoa với văn hoá ẩm thực miền xuôi nó trở nên đa vị hơn. Miếng bò mang hương vị của núi rừng trầm mặc đã trở nên đậm đà, phong phú bởi hơi hướm mặn mà khẩu vị xứ biển. Sự giao hoà miền núi và miền xuôi đó mà thành cái tên “bò một nắng hai sương”.
Để làm món bò một nắng, người ta chọn thịt đùi hoặc thịt thăn. Thịt bò được lạng theo chiều dọc sớ, lớn cỡ bàn tay dày non một phân, ướp mắm muối, tiêu, sả, bột ngọt, ớt hiểm rồi mang phơi nắng. Hôm nào trời quang, chỉ cần phơi một nắng là được; nếu nắng yếu hoặc trời mưa thì sấy bằng lò than. Sau khi phơi nắng hoặc sấy cứ một ký thịt còn khoảng 700 – 800g. Đúng gu nhất là đợi than cháy đượm hồng cho bò lên nướng vừa cháy rám đều hai mặt là được vì sau khi phơi thịt bò đã chín dốt, nếu quá lửa thịt sẽ cứng xảm, mất vị ngọt. Bò một nắng nướng phải xé mới đúng điệu, dùng dao kéo cắt là coi như hỏng, mất cái ngon. Thịt bò xé tơi ra từng sớ đỏ hồng, chấm với muối kiến vàng kèm lá é, càng nhai càng bắt bởi cái vị là lạ mà hoang sơ.
Muối kiến vàng được xem là một tuyệt chiêu của người Gia Lai vùng Ayun Pa, Krông Pa. Để làm món muối lạ lùng này người ta phải vào rừng… bắt kiến. Trong rừng sâu mới có loại kiến vàng to con, vàng ươm, bụng căng mọng. Kiến bắt về rang sơ qua lửa rồi giã với ớt rừng, lá thèn len và vài loại lá rừng khác. Kiến vàng có vị mặn đồng thời bụng kiến chứa đầy thứ dịch chua, vậy là món chấm vừa có vị chua vừa hơi măn mẳn tương tự như muối và chanh. Tuy nhiên muối kiến vàng thật sự ngon đậm khi có thêm muối hột giã nhỏ hoà cùng.