Hỗ trợ: contact@taxigo.vn  Điện thoại: 01236.555.678

Download

phone Phục vụ 24/7

Tin tức

Việt Nam là một quốc gia có nền khí hậu nhiệt đới gió mùa, ba miền Bắc Trung Nam đều có khí hậu và lượng mưa khác nhau, do đó ẩm thực vô cùng đa dạng và phong phú. Người Việt ưa chuộng ăn ngon, cùng với sự khéo léo, sáng tạo của người dân tùy theo đặc điểm từng vùng mà đã cho ra đời rất nhiều món ngon và đặc sản cho quê hương đất nước. Vì vậy du khách nước ngoài ghé thăm Việt Nam sẽ không chỉ được khám phá phong cảnh thiên nhiên kì vĩ, hoang sơ mà hữu tình, danh lam thắng cảnh đẹp mắt, con người thân thiện hiền hòa, lại được thưởng thức nhiều đặc sản thơm ngon không thể cưỡng lại được.

Cùng duadonnoibai.vn tìm và thưởng thức những đặc sản nổi tiếng dọc khắp 3 miền Việt Nam nhé!

1. THỊT TRÂU GÁC BẾP HÀ GIANG

Thịt trâu gác bếp vốn là đặc sản của vùng Tây Bắc, được người dân tộc chế biến đậm đà thơm ngon, đầy đủ gia vị, gừng, mắc khén và ớt, cộng thêm thịt dai ngon nướng trên gác bếp. Với không khí ở rừng núi Hà Giang, vô cùng thích hợp để thưởng thức thịt trâu quây quần bên mâm cơm nóng hổi, lai rai cùng 1-2 chén rượu, khiến ai ai đã từng đến đây đều nức lòng say mê và muốn quay lại để thưởng thức món này.

2. MÓN NƯỚNG SAPA – LÀO CAI

Mùa đông Sapa với cái lạnh trong từng hơi thở, vào lúc màn đêm bao trùm toàn thị trấn, chắc chẳng có gì tuyệt vời hơn khi ngồi bên bếp lửa hồng và nhâm nhi những món đồ nướng nóng hổi. Một đĩa dạ dày, cá hồi, trứng gà chín, xâu thịt nướng… với mùi thơm phưng phức đủ để xua tan cái lạnh tê tái của núi rừng Tây Bắc.

3. PHỞ CHUA LẠNG SƠN

Phở chua được làm bởi bánh phở tươi thái nhỏ được trộn với các loại gia vị, thịt xá xíu, lạc rang giã nhỏ, trứng vịt lộn bổ tư và nước đủ (hay còn gọi nước sốt) cùng các loại gia vị khác. Món ăn này được chế biến khá cầu kỳ và hương vị chua ngòn ngọt, cay cay, bùi bùi.

4. LỢN CẮP NÁCH LAI CHÂU

Lợn cắp nách Lai Châu (hay còn gọi là lợn lửng) là một món ăn đặc trưng chỉ có ở vùng cao. Lợn cắp nách ngon từ thịt, ngọt từ xương nên làm món gì cũng rất hấp dẫn. Dù hấp, nướng, hun khói, xào hay luộc thì thịt vẫn ngon. Thịt lợn cắp nách vừa thơm, chắc mà hoàn toàn không béo ngậy, dù gắp phải miếng mỡ đi chăng nữa.

5. XÔI CHIM MƯỜNG THANH – ĐIỆN BIÊN

Nếu đến Mường Thanh (tỉnh Điện Biên) trong dịp tết, bạn sẽ được thưởng thức món xôi chim ngon tuyệt. Xôi chim được bày trên mâm có nắp đậy để giữ xôi luôn ấm và mềm. Sở dĩ xôi chim dẻo thơm bởi hạt nếp nương sau hai lần đồ bằng chõ gỗ và béo ngọt nhờ vị thịt chim câu mới ra ràng.

 6. TU HÀI QUẢNG NINH

Tu hài là một hải sản không quen thuộc và có nhiều như tôm, cua, sò, ốc,… nhưng nếu được một lần thưởng thức hương vị đặc trưng của món ngon miền biển này thì không thể nào quên được. Món tu hài hấp khai vị ăn vừa mát vừa thanh, vừa có có dư vị ngọt rất riêng. Thịt tu hài hấp giòn, quyện với mùi gia vị thơm nức.

7. PHỞ HÀ NỘI

Phở là một món ăn truyền thống của dân tộc, và cũng là cái hồn của Thủ đô, mang hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu được. Bánh phở được làm từ gạo, sợi rất mềm, nước phở được hầm từ xương bò vì thế có vị ngọt từ xương rất dễ ăn, thêm chút thịt bò tái và gia vị hành lá, ngò, hành tây hoặc tiêu sẽ khiến bát phở thơm lừng khó cưỡng lại. Phở có nhiều vị khác nhau như phở gà, phở bò cùng nhiều thương hiệu nổi tiếng như Phở Thìn, Phở Lý Quốc Sư, Phở Bát Đàn,…

8. THỊT DÊ NINH BÌNH

Nếu du khách đến đất cố đô mà chưa ăn món thịt dê thì coi như chưa biết thấu đáo về Ninh Bình. Có rất nhiều món được chế biến từ thịt dê rất hấp dẫn như: Dê áp chảo, dê nướng, dê quay, dê hấp, tiết canh dê,… Món tái dê có thịt ngọt và giòn, ăn với các loại rau thơm như lá đinh lăng, lá mơ, lá sung… vị bùi bùi ngấm vào tận tâm can của người thưởng thức.

9. CHÁO LƯƠN XỨ NGHỆ

Món cháo lươn đã trở thành “niềm tự hào xứ Nghệ” với cách chế biến cực kỳ đặc biệt và hương vị tuyệt vời “không nơi mô có được”. Bát cháo có vị thơm cay nồng đặc trưng, thịt lươn vàng óng mềm, ngọt, thấm đẫm gia vị.

10. CƠM ÂM PHỦ HUẾ

Cơm âm phủ Huế là một trong những món ăn đại diện tiêu biểu về nghệ thuật chế biến đậm nét văn hóa ẩm thực Huế. Với hương vị hài hòa cùng lối bài trí phảng phất nét cung đình, cơm âm phủ Huế làm cho thực khách được thưởng thức một món ăn hoàn hảo không chỉ ngon mà còn rất đẹp mắt bởi nghệ thuật bày trí.

11. MÌ QUẢNG ĐÀ NẴNG

Những tô mì thơm ngon, mang hương vị đậm đà luôn níu chân du khách mỗi lần du lịch Đà Nẵng. Hòa quyện cùng cọng mì trắng ngà, mềm mại là vị thanh ngọt và béo của nước hầm xương, mà người dân địa phương vẫn hay gọi là nước lèo.

12. THỊT NAI ĐẮK LẮK

Đắk Lắk nổi tiếng với món thịt nai nướng thái mỏng ướp mỡ nước và gia vị, ăn cùng gừng tươi… Miếng thịt nai nướng chín ngọt mềm thêm vị cay nóng của gừng kích thích người ăn đến mê say mà không cần dùng đến rượu.

13. CÁ LĂNG NƯỚNG THAN ĐẮK NÔNG

Đặt một miếng cá lăng lên bánh cuốn có sẵn rau sống, lát chuối xanh, khế, dứa, bún cuộn lại chấm nhẹ trong bát mắm đủ vị của tỏi, chanh, ớt đường pha vừa miệng. Tất cả cứ lan tỏa dần trên đầu lưỡi, ngon tuyệt vời.

14. BÚN SỨA NHA TRANG (KHÁNH HÒA)

Khi thưởng thức bún sứa Nha Trang, thực khách sẽ cảm nhận trọn vẹn nước dùng ngọt thanh, sứa giòn giòn, mát lạnh và vị cay ở ớt tạo nên cái ngon tuyệt vời, ăn một tô rồi lại muốn thêm tô nữa.

15. CƠM TẤM SÀI GÒN

Cơm tấm là món ăn bình dị nhưng nổi tiếng của đất Sài Gòn với nhiều nguyên liệu ăn kèm hấp dẫn như: Sườn, phá lấu, chả, nem… được chế biến đậm đà hương vị của miền Nam, ăn kèm với dưa leo, gỏi cà rốt sẽ khiến bạn khó lòng quên được món ăn này

16. BÁNH KHỌT VŨNG TÀU

Chiếc bánh có hình dáng như bánh căn của người miền Trung, được làm từ bột gạo, có nhiều loại nhân và chỉ đổ với nhân tôm, bề mặt màu trắng tinh, điểm xuyết lên đó là màu đỏ gạch của tôm, màu xanh của hành thái nhỏ.

17. LẨU MẮM U MINH (CÀ MAU)

Mắm được nấu rã thịt, lọc kỹ xương, nêm nếm bột ngọt, đường cho vừa ăn rồi cho vào lẩu. Để cho dậy mùi người ta còn bổ sung thêm một ít lá sả bằm mịn, phần gốc sả đập dập cho vào lẩu. Để làm cho nước lẩu có vị béo, thơm và sánh, người ta cho vào một ít sữa bò thay đường. Đến U Minh đừng quên thưởng thức món lẩu mắm cực ngon này nhé!

Top